Radio France Internationale: 01 November 2013
Quay sang nước Lào, báo Le Monde bận tâm tới vụ mất tích bí ẩn của một nhà đấu tranh cho quyền của người nông dân giữa lòng thủ đô Viêng Chăn. Mục « Điều tra » của tờ báo tìm cách lý giải sự kiện này trong bài : « Người mất tích tại Viêng Chăn ».
Sombath Somphone, 62 tuổi, mất tích tối ngày 15/12/2012. Ông là một khuôn mặt tiêu biểu của xã hội dân sự Lào và là người cổ xướng cho phát triển nông thôn, cũng như người bảo vệ quyền lợi cho người nông dân. Từ một năm nay, không ai nhìn thấy ông. Vợ của ông cho biết cảnh sát thông báo không biết ai đã bắt cóc nhà đấu tranh cũng như lý do của vụ bắt cóc.
Phía thông tin chính thức lặp đi lặp lại rằng đây có lẽ là một vụ thanh toán cá nhân. Còn bạn bè và thành viên các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho rằng có sự nhúng tay của một kiểu « cảnh sát ngầm » hay của một số phần tử hoạt động dưới sự kiểm soát của chế độ. Cũng theo những người thân trên, nguyên nhân của vụ bắt cóc có lẽ là do quan điểm đối lập về phát triển giữa Sombath Somphone và chính phủ.
Xung quanh vụ bắt cóc vẫn còn nhiều uẩn khúc, như việc dàn cảnh vụ bắt cóc mà ngay hôm sau, khi người nhà của nạn nhân tới trình báo, cảnh sát đã cho xem ngay những hình ảnh do camera an ninh ghi lại. Tuy nhiên, họ không đồng ý cung cấp băng hình gốc và từ chối mọi sự giúp đỡ từ phía nước ngoài để giải mã những hình ảnh trên. Vụ bắt cóc Sombath Somphone thu hút sự chú ý của giới chính trị thế giới, như Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry và chủ tịch phái đoàn Nghị viện châu Âu chuyên trách khu vực Đông Nam Á.
Tác giả bài báo phân tích một vài yếu tố có thể lý giải việc thanh trừ nhà hoạt động này. Ông không nổi tiếng trong nước, nhưng trên trường quốc tế, ông là một khuôn mặt tiêu biểu nhờ Trung tâm đào tạo cho phát triển giúp đỡ các chủ trang trại và giáo dục-đào tạo các nông dân trẻ của mình. Tại Hội nghị Thượng Đỉnh Á-Âu (ASEM), diễn ra tại Viêng Chăn vào đầu tháng 11 năm 2012, một số nông dân đã tới phản đối việc trưng dụng đất đai cho các doanh nghiệp trồng cao su hay khai thác mỏ của Việt Nam và Trung Quốc.
Phản ứng về những hoạt động phản đối của những người trên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tuyên bố phải phòng vệ chống lại « kẻ thù của nhà nước » đang tiến hành « các hoạt động gây bất ổn » dưới danh nghĩa « một chiến lược thay đổi hòa bình ». Một nhà trí thức sống tại Viêng Chăn nhận xét : « Lào đưa ra hình ảnh một đất nước tươi vui, hạnh phúc, một bến đỗ cho khách du lịch. Nhưng trong sâu thẳm thì khác hoàn toàn, mọi thứ đều khó sống hơn nhiều ».