RFI: 09 tháng sou 2016 By Arnaud Dubus
Ba thanh niên Lào đã bị chính quyền Viêng Chăn bắt giữ và đã bị giam giữ bí mật vì tội chỉ trích chế độ trên mạng Facebook. Cả ba người đã phải “thú nhận lỗi lầm” của họ trên đài truyền hình Nhà nước hồi cuối tháng 5/2016 rồi. Theo thông tín viên Arnaud Dubus tại Bangkok, sự cố này không phải là chưa từng có và điều đó cho thấy là chính phủ Lào không chút mảy may lo ngại trước các áp lực của cộng đồng quốc tế trong việc tôn trọng tự do ngôn luận.
RFI: Thân chào anh Dubus, anh có thể cho chúng tôi rõ về vụ bắt giữ ba thanh niên Lào này ?
Arnaud Dubus: Cả ba thanh niên, gồm một cô gái, tên Lodkham Thammavong, 30 tuổi, bạn trai của cô – Somphone Phimmasone, 29 tuổi và một người khác, tên Soukan Chaithad, 32 tuổi cùng làm việc tại Bangkok, như hàng ngàn thanh niên Lào khác. Thammavong từng làm giúp việc nhà ; Somphone – làm bảo vệ nhà máy, còn Soukan, người giao hàng.
Dường như họ có quan hệ với các nhóm người Lào hải ngoại, chủ yếu là ở Đức. Những người này đã thúc đẩy họ chỉ trích công khai chính phủ cộng sản Lào. Nhất là Somphone đã đưa lên Facebook những lời bình luận, hình ảnh và nhiều đoạn vidéo chỉ trích gay gắt chính quyền và các chính sách của Lào. Những lời bình luận chủ yếu nhắm vào việc trấn áp các quyền tự do của người dân, về nạn tham nhũng của giới quan chức, cũng như là về các dự án đầu tư, sự hiện diện của người Việt Nam và Trung Quốc ở Lào – một chủ đề rất nhạy cảm đối với chính quyền Viên Chăn.
Thêm vào đó, cả ba người còn tham gia vào một cuộc biểu tình ngày 4/12/2015 – ngày kỷ niệm 40 năm Viên Chăn rơi vào tay phong trào cộng sản Pathet Lào – một cuộc biểu tình trước đại sứ Lào ở Bangkok. Cả ba người có lẽ đã trở về nước hồi đầu năm nay và bị bắt vào tháng Ba vừa qua. Trước khi phát sóng lời « thú nhận » của ba người trên kênh truyền hình Nhà nước trong chương trình an ninh ngày 27/5, không một ai, kể cả gia đình họ, biết được chuyện gì đã xảy ra đối với những người này. Cả ba bị xem như là mất tích.
RFI: Anh có thể nói cho thính giả nghe đôi chút về buổi thú nhận được chiếu trong 3 đêm liên tiếp trên truyền hình được không ?
A. Dubus: Trong suốt buổi thú tội, cả ba trong tư thế ngồi và mặc áo tù màu xanh dương. Phía sau họ là nhiều nhân viên cảnh sát mặc đồng phục. Somphone Phimmasone nói là chính. Anh ta nói là đã bị, xin trích « những kẻ xấu ở nước ngoài » lừa dối.
Anh ta còn nói là đã nhận ra sai lầm, rằng kể từ giờ anh sẽ có thái độ và hành xử đúng đắn và ngừng mọi hoạt động phản bội tổ quốc. Trong suốt buổi « thú tội công khai », cả ba tù nhân cầm trong tay những tấm hình lớn cho thấy họ đang biểu tình hồi tháng 12 năm 2015 trước đại sứ quán Lào, những tấm ảnh được cho là bằng chứng về sự « phản bội » của họ.
Điều đáng chú ý là hình thức thú tội công khai này được sao y nguyên bản từ những phiên xử tại Matxcơva, những phiên xử này được tổ chức trong những năm 1930 dưới thời Josef Staline. Trong suốt giai đoạn đó, những vị lãnh đạo nào của đảng cộng sản Xô Viết mà đi trệch đường lối đã phải thú nhận lỗi lầm của mình và phải đền tội thích đáng. Có thể nói là Lào, cùng với Bắc Triều Tiên là những quốc gia cuối cùng đi theo chế độ Staline trên hành tinh này.
RFI: Chính phủ Lào muốn đưa ra thông điệp gì cho thế giới bên ngoài khi cho phát lại những lời thú nhận này ?
A. Dubus: Thông điệp đưa ra ở đây là chính phủ Lào không lùi bước trước các áp lực quốc tế. Nhân kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát ở Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneve hồi tháng Giêng năm 2015, đại diện của chính phủ Lào đã bác bỏ toàn bộ 8 khuyến nghị do các nước thành viên khác đưa ra để cải thiện tình hình nhân quyền, nhất là về những khuyến nghị có liên quan đến các vụ cưỡng bức mất tích.
Vì những vụ mất tích này đang là một vấn đề lớn tại Lào kể từ hơn 20 năm nay. Người ta ước tính có khoảng một chục vụ như vậy. Trường hợp gần đây nhất là vụ ông Sombath Somphone, một lãnh đạo quan trọng và được nể trọng của xã hội dân sự, người cho đến giờ không ai biết đang ở đâu sau khi bị cảnh sát bắt đi trên một phố ở Viêng Chăn ngày 15/12/2012.
Ngay cả như trường hợp của Sombath Somphone, nhân vật này cũng đã được nhắc đến trong các cuộc hội đàm song phương giữa các đại diện cao cấp của chính phủ các nước khác với các đồng nhiệm Lào, Viêng Chăn chỉ chấp nhận có 4 trong số 10 khuyến nghị do các nước khác đưa ra tại Geneve, nhằm cải thiện công tác điều tra về vụ mất tích Sombath Somphone.
Vì chính phủ các nước khác cũng chỉ dừng lại ở việc nhắc đến vụ mất tích Sombath Somphone, và việc này không có tác động gì đối với viện trợ của nước ngoài dành cho Lào, nên Viêng Chăn cảm thấy ở thế mạnh. Đối với chính phủ Lào, chừng nào tiền vẫn còn được đổ ồ ạt vào, họ chẳng thấy vì sao phải thay đổi chính sách trong lĩnh vực phát triển hay nhân quyền.
RFI: Hiện nay Lào đang nắm chức chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nhiệm kỳ sẽ còn tiếp tục đến hết năm nay. Liệu có những áp lực đến từ các nước thành viên khác trong ASEAN để cho vấn đề nhân quyền chí ít cũng được nhắc đến ?
A.Dubus: Đương nhiên là không rồi, vì có nhiều nước thành viên khác như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia hay Cam Bốt cũng có những vấn đề nghiêm trọng trên phương diện nhân quyền. Do đó có sự đồng thuận là không nói đến chủ đề này. Và Ủy ban về Nhân quyền của ASEAN rất nổi tiếng vì sự kín đáo của họ. Ủy ban này bị các chính phủ giám sát, nên không thể làm đúng chức năng. Nói đúng hơn đây chỉ là một cơ chế bề ngoài mà thôi.
Thực ra, Lào cảm thấy tự tin đến mức họ chuyển sang cả phản công. Chẳng hạn như vụ Diễn đàn Nhân dân ASEAN, một cuộc họp của các tổ chức xã hội dân sự của ASEAN thường được diễn ra trước mỗi kỳ thượng đỉnh ASEAN hàng năm. Do Viên Chăn từ chối cuộc họp này diễn ra trên lãnh thổ Lào, nên diễn đàn này được tổ chức ở Đông Timor.
Nhưng Lào cũng đã đe dọa ngăn chặn Đông Timor gia nhập ASEAN nếu như chính phủ nước này chấp nhận đón tiếp Diễn đàn Nhân dân ASEAN. Nói tóm lại là chừng nào cộng đồng quốc tế không dọa cắt giảm mạnh các nguồn tài trợ cho Lào nếu như không có sự cải thiện về mặt nhân quyền, thì sẽ chẳng có một chút tiến bộ nào trong lĩnh vực này.