By Jonah Fisher
Đây là trường hợp mà một thám tử loại trung bình có thể giải phá trong vòng một tuần. Vụ bắt cóc ông Sombath Somphone được ghi lại trên camera và diễn ra trên một con đường đông đúc tại một trạm kiểm soát của cảnh sát.
Thế nhưng hơn bốn tháng sau khi nhà hoạt động hàng đầu trong lĩnh vực phát triển của Lào mất tích, các nhà chức trách nói họ không có đầu mối nào và chưa cần tới trợ giúp từ bên ngoài trong việc tìm kiếm ông.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các nhân viên cứu trợ và các nhà ngoại giao tại quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á này đang lo sợ điều tồi tệ nhất có thể xảy ra
Vợ của ông Sombath, bà Shui-meng Ng, nhìn thấy chồng mình lần cuối trong chiếc gương chiếu hậu trên chiếc xe của bà.
Đó là hôm thứ Bảy ngày 15 tháng Mười Hai năm 2012, và hai vợ chồng bà đang đi xe về nhà trong hai chiếc xe riêng rẽ dọc con đường Thadeua, chạy song song với dòng sông Mekong.
Trước đó ông Sombath, 61 tuổi, đã đi tập thể dục buổi tối trong khi bà vợ người Singapore của ông dự một cuộc họp trong thành phố.
Tới cuối ngày, họ gặp nhau tại một cửa hàng nhỏ mà bà Shui-meng quản lý và quyết định về nhà.
Mặc dù không bị tắc nghẽn giao thông, hai xe mất liên lạc với nhau. Khi về đến nhà, bà Shui-meng đợi vài giờ sau đó đã quay trở lại để tìm chồng.
Sau khi không thấy bất cứ dấu vết nào của ông hay của chiếc xe Jeep của ông, sáng hôm sau bà đã trình báo việc ông bị mất tích.
Nhìn thấy lần cuối cùng
Vào ngày thứ Hai, sau khi thấy cảnh sát có dấu hiệu không mấy quan tâm, gia đình ông Sombath đã trở thành thám tử.
Họ đi đến đồn cảnh sát chính ở thủ đô Vientiane, nơi họ yêu cầu được xem camera ghi hình CCTV ở cung đường nơi ông cuối cùng được nhìn thấy.
“Tôi đã bị sốc khi thấy ông bị cảnh sát dừng xe tại một trạm cảnh sát.” Bà Shui-meng nói
Đoạn CCTV cho thấy xe Jeep của ông Sombath bị bắt phải dừng bên đường lúc quá 6 giờ chiều và viên cảnh sát yêu cầu ông ra khỏi xe..
Ngay sau đó, một người đàn ông đến bằng xe máy và lái xe của ông Sombath đi..
Chưa đầy bảy phút sau khi ông bị dừng xe lại, một chiếc xe tải loại nhẹ trườn đến. Ông Sombath bị đẩy lên xe và bị đưa đi. Đây là lần cuối cùng người ta nhìn thấy ông còn sống.
Khôn ngoan và biết nhìn xa, gia đình ông Sombath đã dùng điện thoại di động hoặc một máy ảnh kỹ thuật số quay lại màn hình đoạn phim CCTV để giữ một bản cho mình.
Những hình ảnh họ quay được khá mờ, nhưng nội dung và trình tự thời gian là rõ ràng. Họ nghĩ đó là một bước đột phá.
Với máy camera kỹ thuật hiện đại dọc đường Thadeua, giới chức trách Lào hẳn phải ghi được biển số chiếc xe tải nhẹ và xe máy.
Viên cảnh sát giao thông tại trạm đó, nếu không trực tiếp có dính dáng, thì chắc chắn cũng có thể cung cấp một số thông tin.
Họ có thể chấp nhận những hỗ trợ kỹ thuật để làm việc với các đoạn phim video. Chúng tôi không biết ai đứng sau chuyện này, nhưng hy vọng có một cuộc điều tra kỹ lưỡng và kịp thời hơn.”
Karen Stewart, đại sứ Mỹ tại Vientiane
Phản ứng thờ ơ
Không may cho ông Sombath và gia đình ông, phản ứng của cảnh sát là dốt nát một cách đáng xấu hổ hoặc cố tình làm ngơ.
Mặc dù có trong tay đoạn phim camera CCTV gốc, họ ra một tuyên bố rằng đoạn phim đã không cung cấp cho họ thông tin về biển số của cả chiếc xe máy hay xe bán tải.
Đoạn phim đó đã không được công khai và nhà chức trách Lào từ chối đề nghị trợ giúp kỹ thuật của nước ngoài để cố nâng cao chất lượng đoạn phim.
Một phát ngôn viên của Bộ Công an cho biết điều đó là “không cần thiết” và rằng đây là “trách nhiệm nội bộ” của Lào.
Phát ngôn viên này nói tiếp rằng viên cảnh sát đã chặn ông Sombath chỉ đơn giản là thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên và không thể nhớ bất cứ điều gì bất thường xảy ra vào buổi tối thứ Bảy đó.
Đối với các nhà ngoại giao nước ngoài tại Vientiane, điều đó không hợp lý. Hàng tháng trời điều tra được cho là căng thẳng dường như đã chẳng cho thấy gì hơn những điều gia đình ông Sombath đã phát hiện ra trong hai ngày họ làm thám tử nghiệp dư.
Dường như có thể làm được nhiều hơn thế”, bà Karen Stewart, đại sứ Mỹ tại Vientiane nói, hầu như không che giấu sự thất vọng của mình.
“Họ có thể chấp nhận những hỗ trợ kỹ thuật để làm việc với các đoạn phim video. Chúng tôi không biết ai đứng sau chuyện này, nhưng hy vọng có một cuộc điều tra kỹ lưỡng và kịp thời hơn.”
Một nhà ngoại giao khác giấu tên đã thẳng thừng hơn.
“Khá rõ ràng là một số người thuộc đảng cầm quyền hoặc chính phủ đứng đằng sau vụ này”, ông nói. “Thật khó có thể xem các cảnh quay CCTV và nghĩ rằng đây là một chuyện gì khác ngoài một vụ bắt cóc có tổ chức.”
‘Kẻ thù chính trị’
Lào theo tên gọi, ít nhất vẫn là một quốc gia cộng sản.
Trên đường phố Vientiane, du khách ba lô vui vẻ chụp ảnh nhiều lá cờ đỏ búa và liềm tung bay cùng với lá quốc kỳ của Lào.
Nhưng khi đất nước này tụt hậu khá dài sau các nước láng giềng phát triển nhanh hơn của nó, các nhà lãnh đạo Lào đã thay đổi chiến thuật và thực hiện một số bước để mở cửa nền kinh tế.
Mặc dù ngày nay đầy tham nhũng, Lào giờ đây mang tính thị trường hơn là Marxist. Nhưng các thay đổi chính trị diễn ra chậm chạp.
Lào vẫn là một nhà nước độc đảng và được đặt dưới sự thống trị của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP) kể từ khi giành độc lập vào năm 1975.
Trong bối cảnh không có đối lập, các cơ quan viện trợ và các nhóm xã hội dân sự đang bị đối xử với nhiều ngờ vực và đôi khi cả sự thù địch.
“Xã hội dân sự bị coi là một đối thủ chính trị chứ không phải là một đối tác cho phát triển”, một nhân viên cứu trợ quốc tế cho biết. “Họ gắn chúng tôi với mùa xuân Ả Rập”.
Trong 30 năm qua, ông Sombath đã lèo lái thành công trong bối cảnh chính trị nội bộ phức tạp của Lào. Trở về từ một trường đại học Mỹ vào những năm 1970, ban đầu ông làm việc trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp.
Sau đó, vào năm 1996, ông thành lập tổ chức riêng của mình, PADETC, một tổ chức trợ giúp cho thanh thiếu niên. Ông đã giành nhiều giải thưởng và sau đó nghỉ hưu vào giữa năm 2012, hy vọng có cuộc sống với nhịp độ chậm rãi hơn.
Nói năng nhỏ nhẹ và không đối đầu, ông Sombath không bao giờ một người quấy rối.
Nhưng nhiều người xem việc ông bị mất tích có liên hệ trực tiếp với vai trò của ông trong việc tổ chức một cuộc họp của Diễn đàn Nhân dân Á-Âu (AEPF) tại Vientiane vào tháng 10 năm 2012.
Kêu gọi từ người vợ
Diễn đàn Nhân dân là một cơ hội cho các tổ chức cơ sở Lào được gặp gỡ và nói chuyện với các nhà hoạt động và vận động từ khắp nơi trên thế giới.
Đây là một điều chưa từng có theo các tiêu chuẩn ở Lào.
Ông Sombath là nhân vật quan trọng của ban tổ chức và đã giúp điều hành một tiến trình thảo luận khu vực và sau đó đóng góp cho hội nghị quốc tế tại Vientiane.
“Từ trước tới nay chưa bao giờ người dân ở đây được tham khảo ý kiến theo cách đó”, một thành viên của cộng đồng viện trợ cho Lào nói.
Một số người đã hào hứng ca ngợi hội nghị như một dấu hiệu cho thấy không khí chính trị đã bắt đầu mở ra.
Nhưng đối với một số thành viên cao cấp trong giới lãnh đạo Lào, nó rõ ràng là một bước quá xa.
Hồi tháng Mười Hai, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ Helvetas, Anne Sophie Gindoz, đã bị trục xuất vì “vi phạm các quy định”.
Bà Gindoz đã viết một bức thư điện tử cho các đối tác và chỉ trích chính phủ Lào và tình trạng thiếu tự do ngôn luận. Bà cũng đã tham gia tích cực tại Diễn đàn Nhân dân.
“Họ làm những gì họ làm giỏi nhất,” một nhân viên giấu tên thuộc một tổ chức viện trợ cho Lào nói. “Họ trục xuất người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong quá trình đó họ làm tất cả nhân viên địa phương sợ hãi.”
Bà Gindoz bị yêu cầu rời khỏi Lào hôm 7 tháng Mười Hai. Hơn một tuần sau ông Sombath bị dừng xe tại trạm kiểm soát của cảnh sát.
Bà vợ ông Sombath nay đang cố tìm cách làm sao để chồng bà không bị quên lãng.
Khi chúng tôi nói chuyện tại Bangkok, bà nói với tôi rằng bà không được cung cấp bất cứ chỉ dấu nào là ông còn sống hay đã chết.
“Tôi cứ tiếp tục chờ đợi. Tôi tiếp tục hy vọng có tin tức về việc ông hiện đang ở đâu. Thật là căng thẳng và mệt mỏi cho tất cả mọi người,” bà nói.
“Vì vậy tôi xin kêu gọi tới chính phủ, tới tất cả mọi người, những người biết ông Sombath đang ở đâu hãy báo cho chúng tôi biết,” bà nói.